Vàng miếng SJC ghi nhận 5 phiên liên tiếp không thay đổi về giá, giao dịch tại 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Với vàng nhẫn, người dân lỗ 1,69 triệu đồng/lượng sau một tuần nắm mặt hàng này.
Kết phiên giao dịch tuần qua, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 77,5-79,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), ghi nhận 5 phiên liên tiếp không thay đổi về giá. Chênh lệch giữa 2 chiều mua – bán là 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại thay đổi liên tục, trồi sụt quanh mốc 75,5-77 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Cụ thể, phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/7), giá vàng nhẫn tròn trơn bán ra ở mức 77,2 triệu đồng/lượng. Đến ngày 27/7, giá vàng mua vào ở mức 75,5 triệu đồng/lượng. Trừ chênh lệch giá mua vào – bán ra, người dân lỗ 1,69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần nắm giữ mặt hàng này.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng miếng được niêm yết ở 78,8-79,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), còn giá vàng nhẫn là 75,88-77,08 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng sáng nay đạt 2.398 USD/ounce, tăng 14 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng quốc tế hiện thấp hơn giá vàng miếng khoảng 5,5-6 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là 3-3,5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện nới rộng hơn so với mức 1-2 triệu đồng/lượng của thời điểm trước ngày 18/7.
Với quan điểm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giới chuyên gia dự báo giá vàng sẽ được tiếp thêm động lực trong tuần này. Theo đó, các ý kiến cho rằng, dù các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể không hoàn toàn cam kết việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối quý III, nhưng có khả năng sẽ hé lộ về động thái này.
Một số sản phẩm vàng của doanh nghiệp (Ảnh: Bảo Tín Mạnh Hải).
Trong tuần trước, dữ liệu kinh tế Mỹ mới nhất đã khơi dậy sự lạc quan mới trên thị trường vàng, giúp kim loại quý này có được mức tăng tiệm cận 2.400 USD/ounce. Theo đó, số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân – PCE (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) – đã cho thấy sự tiến triển liên tục trong cuộc chiến chống lại giá cả tăng cao.
Cùng với đó, GDP tại Mỹ ước tính quý II đã vượt qua kỳ vọng của giới chuyên gia với mức tăng trưởng hằng năm mạnh mẽ là 2,8%. Con số này, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 2% của các nhà kinh tế, đã cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế dù lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong 23 năm.
Theo công cụ FedWatch CME, khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ tiến hàng nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 9 là 100%, với khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm là 87,7%.
Bên cạnh kỳ vọng lãi suất, Giám đốc phòng ngừa rủi ro thương mại Sean Lusk của Walsh Trading cho rằng, kim loại quý này vẫn hoạt động trong môi trường thuận lợi khi lo ngại liên quan đến địa chính trị, kinh tế và tài chính vẫn còn. Lusk nói thêm rằng, dù Trung Quốc công bố dừng bổ sung vàng trong 2 tháng liên tiếp, nhưng quốc gia này sẽ sớm quay trở lại.
George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng tại State Street Global Advisors, cho biết ông cũng kỳ vọng giá vàng duy trì đà tăng. “Cục Dự trữ Liên bang đang trên đà cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và bắt đầu một chu kỳ nới lỏng mới, điều này khiến USD giảm giá và tạo cơ hội thuận lợi cho vàng.
USD ngân hàng, “chợ đen” cùng giảm
Trên thị trường quốc tế, USD-Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – ghi nhận tại 104,3 điểm, tăng 0,04% so với phiên liền trước đó.
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.249 đồng, giảm 16 đồng so với trước đó. Với biên độ hiện tại, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.036-25.461 đồng.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm theo tỷ giá trung tâm. Ngân hàng lớn niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 25.091 – 25.461 đồng/USD (mua – bán). Ngân hàng cổ phần niêm yết giá USD ở mức 25.145 – 25.461 đồng/USD (mua – bán). Chiều bán tại các ngân hàng vẫn ở mức kịch trần.
Tại thị trường “chợ đen”, giá USD đang được một số điểm thu đổi ngoại tệ điều chỉnh giảm nhẹ 10 đồng mỗi chiều, hiện giao dịch quanh 25.650-25.730 đồng/USD (mua – bán).