Cầm tiền của con dâu đâu phải lúc nào cũng vui vẻ, có khi đó là áp lực của người làm mẹ chồng.
Vừa về hưu, tôi dọn đến ở cùng con trai và con dâu được 2 tháng nay. Nhưng hôm qua, tôi phải về lại quê cũ trong cay đắng và bất lực.Nghẹn ngào tiếng cầu cứu của con dâu
Về già, ai cũng muốn ở lại nơi mà mình đã sinh sống gần cả đời người. Tôi cũng như bao người khác, chưa từng có suy nghĩ rời quê đến ở cùng các con. Tôi sinh được 2 người con trai, con trai cả làm ở công ty bất động sản, lương tháng nghe bảo cao lắm nhưng chẳng khi nào biếu cha mẹ được hộp cơm hộp yến. Con trai thứ 2 làm công nhân, nghèo tiền bạc mà giàu tình cảm. Mỗi lần về nhà thăm vợ chồng tôi, con trai đều mua quà tặng hoặc quần áo, thuốc bổ, sữa cho cha mẹ. Tôi không nhận thì con hờn trách, ép tôi cầm lấy thì chúng mới vui lòng.
2 tháng trước, lúc đêm hôm, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Nga, con dâu lớn. Con dâu khóc nức nở, bảo tôi cứu lấy nó, nó khổ quá rồi, sợ là không chịu đựng nổi nữa. Tôi bàng hoàng bởi trước giờ, vợ chồng con trai cả luôn sống hòa hợp, chưa từng nghe chúng tranh cãi to tiếng với nhau. Con dâu mới sinh con, còn đang ở cữ thì tại sao lại đến nông nỗi phải cầu cứu mẹ chồng? Hình như uất ức quá, con kể hết cho tôi nghe. Chồng vô tâm, đi làm về là đi nhậu, con nhỏ giao hết cho vợ trông nom. Con dâu đòi thuê giúp việc thì con trai không chịu vì sợ tốn tiền. Ngày đêm trông con khi sức khỏe còn chưa ổn định, chồng lại cay nghiệt nên con dâu chịu đựng không xiết nữa.
Ngay sáng hôm sau, ông nhà đã gọi xe taxi, đưa tôi đến nhà con trai cả. Mục đích tôi đến đó cũng vì muốn khuyên giải con trai và đỡ đần công việc nhà cửa, chăm sóc con cho con dâu.
Bát cơm nghẹn đắng
Tôi đến ở được 2 tháng. Lúc đầu, con trai còn nể mặt mẹ nên cư xử nhẹ nhàng hơn với vợ. Nhưng càng ở lâu, con càng chẳng xem tôi ra gì. Nó chê tôi luộm thuộm, lau nhà không sạch, rửa bát còn bẩn, nấu bữa cơm không ngon miệng… Con dâu lên tiếng bênh vực mẹ chồng thì bị nó đòi tát, đòi bỏ nhà đi.
Ảnh minh họa.
Tôi còn biết được nhiều chuyện khác nhau trong cuộc sống vợ chồng nó. Thì ra con trai tôi luôn khinh thường vợ làm ra ít tiền nên không cho vợ giữ tiền. Chuyện tiền bạc trong nhà đều do nó làm chủ cả, con dâu không có quyền ý kiến. Nó thích mua gì thì mua, chi tiêu thế nào thì chi, tiết kiệm được bao nhiêu, vợ cũng không hề biết đến. Nhưng nói đến chuyện mua sữa, bỉm cho con hay mua đồ mới cho vợ, nó lại giãy nảy lên như đĩa phải vôi vì xót tiền.
Mỗi ngày, con trai đưa cho tôi 100 nghìn để đi chợ. Mà ở thành phố, mọi thứ đều đắt đỏ, tôi không thể xoay xở nổi với số tiền đó. Con dâu thương mẹ chồng vất vả nên lén lút đưa thêm tiền cho tôi. Mà đó đều là tiền riêng của con dâu đã tiết kiệm được trước khi lấy chồng.
Hôm qua, tôi nấu bữa cơm ngon hơn mọi ngày. Trong đó có món sườn ram, món mà con dâu thích ăn. Nhưng con trai tôi lại cay mày, hỏi tiền ở đâu mà tôi mua sườn non, một thứ đắt đỏ như vậy. Tôi bực bội quát con trai, bảo nó keo kiệt, đưa có 100 nghìn thì làm sao đủ nấu ăn cho 3 người/ngày; còn có con dâu đang cho con bú? Con dâu lên tiếng bênh vực tôi, bảo rằng con đưa tiền cho tôi mua, đó là tiền riêng của con thời con gái. Con trai lớn tiếng chửi vợ xối xả, còn hất đổ cả mâm cơm mà tôi cất công nấu nướng rồi bỏ đi.
Tôi phải dọn dẹp mâm cơm, nhặt lại mấy miếng sườn để vào đĩa. Mẹ con ngồi ăn mà nước mắt chảy dài, bữa cơm nghẹn đắng họng, không nuốt nổi. Ngay chiều đó, tôi gọi xe taxi về quê cũ, bất chấp sự can ngăn của con dâu. Tôi về không phải vì không thương con dâu mà vì bất lực, giận chính mình và con trai.
Về quê rồi, tôi lại không yên tâm về con dâu. Tôi có nên đưa mẹ con nó về quê sống với mình luôn không?
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/u60-nghi-huu-den-song-cung-con-dau-duoc-2-thang-da-phai-voi-va-quay-ve-que-cu-mot-mon-suon-non-nhu-giot-nuoc-tran-ly-172240520143531864.htm