Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê, nhà tôi lúc đó rất nghèo. Để được đi học và có công việc hiện tại, đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực rất nhiều của tôi mà không phải ai cũng có thể hiểu được.
Hiện tại, thu nhập của tôi là 37 triệu đồng một tháng, trong tài khoản tiết kiệm có 400 triệu đồng.
Anh chị tôi đã có gia đình ở quê, họ cũng nghèo. Mỗi lần về quê, tôi dành dụm tiền cho các cháu đi học, cho mẹ tiền hàng tháng. Mẹ tôi ở quê trồng và bán rau, thu nhập chỉ 15-20 nghìn đồng một ngày.
Tôi làm ra tiền, có tiền tiết kiệm nhưng có lẽ do ám ảnh cái nghèo nên tôi không dám tiêu xài. Thậm chí, tận bây giờ tôi vẫn ăn sáng bằng mì gói trước khi đi làm. Đó cũng là thói quen đã kéo dài nhiều năm trong cuộc đời tôi rồi.
Nghe có vẻ ngược đời, phải không? Khi còn bé, tôi đã luôn mơ đến ngày mình có thể kiếm ra tiền, ngày mà tôi có thể tự do mua bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần phải lo lắng. Nhưng bây giờ, khi đã chạm đến giấc mơ ấy, tôi lại thấy mình bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của những nỗi lo từ quá khứ.
Nhiều lúc chạy ngang quán bún bò bình dân, giá chỉ 35.000 đồng một tô mà tôi không nỡ ăn vì nghĩ đến mẹ ở quê bán rau cả ngày cũng chưa kiếm được chừng ấy.
Bạn bè xung quanh tôi, không nhiều người có mức thu nhập 37 triệu đồng, chủ yếu ở mức 15 đến 20 triệu theo những gì tôi biết. Vậy nhưng, họ lúc nào cũng vào những nhà hàng sang chảnh, đi du lịch khắp nơi, dùng điện thoại đời mới nhất.
Còn tôi, vẫn đi con xe máy cà tàng, xài chiếc điện thoại iphone 6, quần áo tôi cũng rất ít mua, nếu có mua thì tôi cũng thường mua loại rẻ tiền. Dù giờ tôi biết người ta toàn dùng điện thoại iphone đời 14,15 rồi. Nhiều lần tôi nghĩ, nếu mua điện thoại xịn thì cũng được thôi, nhưng tôi ngại vì nó không phù hợp với hoàn cảnh gia đình, sợ hàng xóm biết thì lại phê bình mẹ già, cháu nheo nhóc mà tôi ăn xài sang.
Từ nhỏ, gia đình tôi luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Chúng tôi đếm từng đồng lẻ trước khi quyết định có nên mua một thứ gì đó không. Bữa cơm có thịt là điều xa xỉ, còn việc mua sắm quần áo mới mỗi mùa là điều không tưởng. Mỗi khi mẹ tôi trả tiền hóa đơn điện nước, tôi cảm thấy căng thẳng như đang đứng trước một trận bão. Nỗi lo ấy ám ảnh tôi cho đến bây giờ.
Giờ đây, tôi kiếm được tiền đủ để lo cho bản thân và gia đình. Nhưng mỗi khi đứng trước quyết định mua thứ gì đó, dù là nhỏ nhặt như một chiếc áo mới hay một bữa ăn ngon, tôi lại chùn bước. Trong đầu tôi luôn hiện lên những hình ảnh của những ngày tháng thiếu thốn – những lần tôi thấy mẹ mình từ chối mua một thứ gì đó cho bản thân vì không đủ tiền, hay ánh mắt buồn bã của cha khi không thể cho chúng tôi một cuộc sống thoải mái hơn.
Tôi nhận ra: Nghèo khó không chỉ là việc thiếu tiền. Nó là nỗi sợ hãi, sự tự ti, và cả những vết sẹo vô hình còn mãi, ngay cả khi ta đã vượt qua được.
Bạn gái biết chuyện, bảo tôi cứ mạnh dạn xài, đầu tư cho bản thân đi, làm ra tiền thì cũng nên xài cho biết, miễn sao không lãng phí là được. Nhưng mỗi lần mua món gì đó, nhìn giá tiền rồi nghĩ đến những gánh rau trị giá vài chục nghìn đồng của mẹ, tôi lại thở dài và quyết định dừng lại.
Tôi lo sợ rằng nếu chi tiêu quá tay, tôi sẽ rơi trở lại cái hố nghèo mà mình đã từng sống qua. Tôi sợ mất đi sự ổn định mong manh mà tôi đã cố gắng xây dựng. Vì thế, tôi tích góp, để dành, nhưng không bao giờ cho phép mình tiêu xài một cách thoải mái. Những niềm vui nhỏ nhoi đôi khi cũng trở thành thứ xa xỉ, bởi trong tôi vẫn luôn hiện diện câu hỏi: “Nếu tiêu hết, thì ngày mai sẽ ra sao?”
Dù biết rằng mình đang sống trong sự an toàn tài chính, nhưng cái bóng của cái nghèo vẫn luôn lởn vởn, khiến tôi không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi vô hình ấy. Và đôi khi, tôi tự hỏi, liệu bao giờ tôi mới thực sự cảm thấy mình đủ, hay cái nghèo trong tâm trí tôi sẽ mãi mãi theo đuổi?”
Tôi có thu nhập tốt và có tiền tiết kiệm, nhưng tôi vẫn sống như một người nghèo! Đó là lời nhận xét của bạn gái tôi và tôi thấy nó cũng đúng thật. Tôi không phải cố tình muốn như vậy để lấy lòng thương hại của mọi người nhưng tôi luôn bị giằng xé tâm can mỗi khi tiêu xài tiền như một người có điều kiện.
Có những đêm tôi vẫn mơ thấy mình trở lại những ngày tháng đó – đứng bên ngoài nhìn vào những gia đình khác ấm no, còn mình thì lạc lõng trong cái lạnh của sự nghèo khó. Những giấc mơ ấy vẫn làm tôi tỉnh giấc trong lo lắng, dù tôi biết mình đã thoát khỏi cảnh đó từ lâu.
Cái nghèo đã dạy tôi trân trọng những gì mình có, nhưng nó cũng mang lại cho tôi những nỗi đau không thể nguôi ngoai. Và tôi tự hỏi, liệu đến bao giờ tôi mới thực sự cảm thấy mình thoát khỏi cái bóng đen ấy
Có phải tôi suy nghĩ quá nhiều rồi không? Về cảm giác tội lỗi khi tiêu xài tiền, dù chính mình làm ra?