Họa sĩ Mai Long – một trong những học trò của danh họa Tô Ngọc Vân – qua đời ở tuổi 94 vì tuổi cao sức yếu.
Bà Mai Khuê Anh – con gái họa sĩ – cho biết sức khỏe ông mới sa sút từ đầu năm và qua đời vào tối 21/7. Vài năm trước, ông vẫn vẽ tranh, mở triển lãm.
Lễ viếng diễn ra lúc 7h30 ngày 28/7 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, số 1B Trần Khánh Dư, Hà Nội. Thi hài ông sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ và an táng tại nghĩa trang Văn Điển vào cùng ngày.
Họa sĩ Mai Long. Ảnh: Gia đình cung cấp
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Ông thuộc thế hệ họa sĩ được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, ông theo học tại xưởng vẽ của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa chính quy đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam, thường gọi là Khóa kháng chiến (1950-1953), danh họa Tô Ngọc Vân là hiệu trưởng, trực tiếp đào tạo. Bạn học của ông là các tên tuổi như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu.
Sau đó, ông tiếp tục học Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1961-1966 cùng khóa với các nghệ sĩ Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ Quảng. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc ở Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (tiền thân của Hãng phim hoạt hình Việt Nam ngày nay). Ông vẽ những bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam như Bài ca trên núi, Chuyện ông Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh.
Chân dung tự họa của họa sĩ Mai Long. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ngoài ra, ông có sở trường vẽ tranh minh họa truyện dân gian, lịch sử. Họa sĩ vẽ cuốn tranh truyện màu như Âu Cơ – Lạc Long Quân, Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, gắn với tuổi thơ nhiều bạn đọc.
Nhà phê bình nghệ thuật Ekaterina Chelaeva (Liên Xô cũ) từng viết: “Dưới con mắt họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được. Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng. Vẻ đẹp của thế giới xung quanh và tình yêu của Mai Long đối với thế giới này, đó chính là bản chất nghệ thuật của ông”. (Trích sách Họa sĩ Mai Long – Những bức tranh như những bài thơ, Tô Chiêm biên soạn, Kim Đồng ấn hành năm 2021).
Tranh “Sơn Tinh Thủy Tinh” họa sĩ Mai Long minh họa. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác nhiều nhất ở mảng tranh lụa, với bút pháp lãng mạn, trữ tình. Họa sĩ từng nói trong buổi triển lãm năm 2019: “Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan tỏa, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao”.
Nguồn : https://vnexpress.net/hoa-si-mai-long-qua-doi-4773053.html