Đi Bộ Tốt Cho Sức Khỏe Nhưng Kiểu Người Này Càng Chăm Đi Bộ Thì Càng Nhanh Làm Bạn Với Xe Lăn

Tin Tức

Đi bộ được chứng minh đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng một số người nếu đi bộ tùy tiện lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Hiện nay, nhiều người, nhất là trung niên và người cao tuổi, chọn đi bộ mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe vì cho rằng hoạt động này tốt cho xương khớp, lại giúp tinh thần thư thái. Khoa học cũng chứng minh, đi bộ mang lại nhiều lợi ích, như tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm trầm cảm lo âu, giúp giảm cân và tăng cường sức mạnh cơ bắp…

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, đi bộ không phải lựa chọn tối ưu cho mọi người. An toàn nhất, trước khi tập luyện bất cứ môn thể thao nào, chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ Đỗ Nam Khánh – Uỷ viên Thường vụ Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích của việc đi bộ với sức khỏe, tuy nhiên một số người, nhất là người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý khi đi bộ.

Những người có vấn đề về xương khớp, nhất là thoái hóa khớp không nên đi bộ. Ảnh minh họa.

Thực tế, hiện nay đi bộ đang là phong trào được nhiều người hưởng ứng, thậm chí có cả các hội, nhóm cùng nhau đi bộ vào mỗi sáng hoặc chiều tốt. Về góc độ vận động, đây là điều rất tốt, thế nhưng cũng cần chú ý đến những vấn đề sức khỏe tiềm tàng, nhất là vấn đề xương khớp, để vận động làm sao cho phù hợp, không để lại hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Theo bác sĩ Khánh, đi bộ chống chỉ định với những người bị thoái hóa khớp, nhất là đang ở giai đoạn có viêm khớp. “Thực tế, không ít người đang bị đau khớp nhưng lại nghĩ đi bộ sẽ giúp cải thiện nên càng đi khỏe. Đây là một sai lầm khiến bệnh càng trầm trọng”, bác sĩ Khánh cảnh báo.

Bác sĩ Khánh lý giải, khi đi bộ, trọng tải của cơ thể sẽ dồn toàn bộ lên đôi chân, tạo sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa, từ đó tạo nên những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp, gây đau nhiều hơn. Những người này càng đi nhiều sẽ càng làm khớp mòn thêm, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời còn có thể mất khả năng vận động.

Đặc biệt, những người thừa cân, béo phì càng đi bộ nhiều sẽ càng gây thoái hóa khớp sớm. Vì thế, những người thừa cân, có vấn đề về xương khớp thường sẽ không được tư vấn đi bộ, thay vào đó là đạp xe hoặc bơi lội.

Bác sĩ Khánh cho biết, khi bị thoái hóa khớp nếu đi bộ sẽ càng làm tình trạng nặng nề hơn. Ảnh: Lê Phương.

Ngoài ra, theo bác sĩ, không nhất thiết ngày nào cũng đi bộ hoặc phải đạt 10.000 bước/ngày. “Việc đi bộ sẽ tùy thuộc vào bệnh lý, sức khỏe, tuổi tác của mỗi người, không có quy tắc chung cho tất cả”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Ngoài ra, nếu có thói quen đi bộ vào buổi sáng, bạn chỉ nên ra ngoài khi trời đã sáng, tốt nhất là khi có ánh nắng. Chú ý khởi động kỹ trước khi đi bộ để tránh xảy ra chấn thương bởi khi mới thức dậy, cơ thể và các khớp vẫn trong trạng thái nghỉ ngơi, cần các hoạt động nhẹ nhàng trước để thích nghi.

Những lỗi thường gặp khi đi bộ:

– Uống không đủ nước: Khi đi bộ, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể rất quan trọng. Nếu cơ thể bị mất nước nhiều qua mồ hôi mà không được bổ sung kịp thời sẽ gây ra mệt mỏi và chuột rút cơ. Trước khi đi bộ 2 tiếng, bạn nên uống một cốc nước. Trong khi đi bộ, nếu khát nước, hãy đáp ứng đủ, tùy vào khối lượng vận động, cũng như quãng đường đi bộ.

Tránh đồ uống chứa caffein, nước ngọt trước khi đi bộ vì chúng chứa nhiều đường, chất kích thích có thể khiến cơ thể mất nước, khát nước hơn. Khi đi bộ hơn 2 giờ, hãy sử dụng đồ uống thể thao thay thế chất điện giải.

– Sải bước quá dài: Khi đi bộ, đa số mọi người sẽ có xu hướng tự nhiên là bước dài sải chân về phía trước. Điều này dẫn đến sai tư thế cột sống, bước chân mạnh khiến ống chân bị đau và không thể đi nhanh hơn được. Vì thế, khi đi bộ nếu muốn đi nhanh để tiêu hao nhiều calo hơn, thì nên thực hiện các bước ngắn hơn, nhanh hơn thay vì sải bước quá dài.

– Giày dép không phù hợp: Đi giày dép chật hay rộng quá, trọng lượng nặng, cứng đều có thể gây khó chịu và thậm chí gây hại cho cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân, phồng rộp bàn chân, co giật cơ và các vấn đề về đầu gối. Trước khi đi bộ nên lựa chọn giày đi bộ có trọng lượng nhẹ, êm, dễ uốn cong và nên chọn cỡ giày lớn hơn một cỡ so với giày công sở. Bên cạnh đó, nên thay giày mới sau khoảng 800km đi bộ. Mặc quần áo thoải mái cũng rất quan trọng để tránh bị trầy xước và quá nóng khi đi bộ.

– Tư thế đi bộ sai: Việc luôn nhìn xuống bước chân, hoặc kiểm tra số bước chân trong điện thoại khi đi bộ là một sai lầm, khiến cổ và lưng bị căng và khiến bạn ít nhận thức được xung quanh, có thể gây nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo, tư thế đi bộ tốt giúp bạn giữ nhịp thở tốt và ngăn ngừa các vấn đề về lưng, cổ và vai. Tư thế đi bộ đúng là giữ cằm cao khi đi, cằm phải song song với mặt đất. Mắt tập trung vào đường đi, theo dõi phía trước với khoảng cách từ 3-6m để tránh chướng ngại vật.

Đồng thời, cần giữ tư thế đứng thẳng nhưng thả lỏng vai, lưng có đường cong tự nhiên, cằm hướng lên và song song với mặt đất khi đi bộ. Để giữ tư thế đứng thẳng, linh hoạt giúp đi bộ tăng cường sức khỏe, tốt nhất nên tập cơ bụng thông qua các động tác gập bụng và các bài tập khác.