Con người đang làm các loài vật biến mất nhanh đến nỗi các nhà nghiên cứu không thể ghi lại hết được.
Sói Tasmania là 1 trong 777 loài được IUCN liệt vào danh sách tuyệt chủng từ năm 1500. (Ảnh: HUM/Getty Images).
Con người đã và đang gây ra những tác động đáng kể lên thiên nhiên hoang dã, với nhiều loài động vật bị đẩy vào tình trạng tuyệt chủng. Từ chim cưu, cóc vàng đến hổ Tasmania, nhiều loài đã không thể chống chọi lại sự hủy diệt mà con người gây ra. Nhưng thực tế đã có bao nhiêu loài động vật bị tuyệt chủng do con người?
Các nhà khoa học chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, và đây là một con số rất khó ước tính. Tuy nhiên, có thể nói là hàng trăm nghìn loài.
Theo Danh sách Đỏ của tổ chức Liên minh quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), đã có tổng số 777 loài động vật tuyệt chủng kể từ năm 1500, khi bắt đầu kỷ nguyên hiện đại. Hầu hết trong số này là do con người đã tác động đến thiên nhiên, nhất là trong hơn 500 năm qua.
Con người đã bắt đầu gây ra tuyệt chủng từ hàng nghìn năm trước, nhưng lúc đó chưa có các nhà khoa học để nghiên cứu về tuyệt chủng và rất khó để có đủ dữ liệu. Vì thế, chúng ta sẽ tập trung vào khoảng 500 năm gần đây.
IUCN mới chỉ đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của khoảng 5% số loài được biết đến trên thế giới, vì thế còn có rất nhiều loài tuyệt chủng mà chưa được ghi lại.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy có từ 150.000 đến 260.000 loài được biết đến đã bị tuyệt chủng kể từ khoảng năm 1500. Con số này quá lớn khiến tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Robert Cowie ở Trường đại học Hawaii, Mỹ, phải ngạc nhiên. “Tôi nghĩ, trời đất, tôi đã tính nhầm chăng?” – ông nói.
Nhóm nghiên cứu đã không tính nhầm. Để tìm ra con số này, họ đã lấy mẫu ngẫu nhiên gồm 200 loài ốc trên cạn và sử dụng các nghiên cứu khoa học trước đây cũng như tham vấn ý kiến chuyên gia để xác định có bao nhiêu loài trong số đó đã tuyệt chủng. Sau đó họ tính ra có bao nhiêu loài sẽ tuyệt chủng nếu tất cả các loài đã biết đều có tỷ lệ tuyệt chủng tương tự trong vòng 500 năm.
Tỷ lệ tuyệt chủng mà họ tính toán là từ 150 đến 260/1 triệu loài/ năm (E/MSY). Nói cách khác, cứ 1 triệu loài thì có 150 đến 260 loài tuyệt chủng mỗi năm.
Nhóm nghiên cứu cũng ước tính số lượng tuyệt chủng của các nhóm động vật hoang dã khác, gồm cả động vật lưỡng cư và chim. Con số này dao động từ 10 đến 243 E/MSY và các nhà nghiên cứu cho rằng con số 100 E/MSY là giá trị hợp lý, không quá phóng đại mà cũng không quá khiêm tốn.
Nhiều nguyên nhân liên quan đến con người kết hợp lại đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài chim cưu, trong đó có việc săn bắt quá mức và làm tăng số lượng các loài xâm lấn ví dụ như chuột, chuột đã ăn mất rất nhiều trứng chim cưu. (Ảnh: Mike Kemp/Getty Images).
Áp dụng con số 100 E/MSY vào phương pháp tính năm 2022, kết quả là trong 500 năm qua đã có 100.000 trong số 2 triệu loài động vật được biết đến đã tuyệt chủng. Điều này mới chỉ tính toán cho số loài chúng ta đã biết, còn chưa kể những loài chưa được con người biết đến.
Phó giáo sư John Alroy ở Khoa các ngành Khoa học Sinh học, Trường đại học Macquarie, Úc, nhận định rằng gần như không thể tính được tỷ lệ tuyệt chủng trong thời kỳ hiện đại và chúng ta cần hết sức cẩn trọng khi đưa ra một con số dựa trên dữ liệu hiện nay.
Ông cho biết để hiểu được tỷ lệ tuyệt chủng của toàn bộ động vật, trước hết các nhà nghiên cứu cần biết có bao nhiêu loài. Chúng ta mới chỉ biết rất ít về thế giới hoang dã, đồng thời chỉ tập trung chủ yếu ở một số vùng, ví dụ như vùng nhiệt đới.
Không những thế, côn trùng có nhiều loài hơn bất kỳ nhóm động vật nào khác, mà chúng ta mới biết vô cùng ít về côn trùng so với các nhóm động vật lớn hơn như thú có vú và chim.
Mặc dù việc tính toán là rất khó nhưng Giáo sư Alroy cũng đề xuất ước tính tỷ lệ tuyệt chủng bằng cách sử dụng dữ liệu của bảo tàng cho một số nhóm động vật đại diện cho các nhóm lớn hơn, và nghiên cứu số lượng loài bị tuyệt chủng theo thời gian.
Theo ông, cho dù tỷ lệ tính toán chính xác đến đâu thì rõ ràng con người đang làm tỷ lệ này ngày càng lớn hơn, số lượng các trường hợp tuyệt chủng cao hơn nhiều so với con số 777 mà Sách Đỏ của IUCN công bố.
Như vậy, các nghiên cứu đều có chung một điểm: các con số đều lớn hơn nhiều so với tỷ lệ cơ sở tự nhiên. Điều này đủ để nói lên rằng con người đang làm tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Trái Đất.