CẬP NHẬT TIN BÃO MỚI NHẤT KHẨN CẤP: BÃO SỐ 3 (YAGI) giật cấp 16

Tin Tức

Thời điểm gió, mưa mạnh nhất khi bão số 3 đổ bộ.

Dự báo thời gian gió, mưa mạnh nhất hôm nay (7/9) tại các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh là khoảng 13-19h. Các tỉnh Thái Bình – Nam Định từ 16-22h. Khu vực Hà Nội khoảng 18h ngày 7/9 đến 1h sáng ngày 8/9.

Mưa lớn sẽ bao trùm toàn miền Bắc

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 đã đi vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Lúc 10h sáng nay, vị trí tâm bão khoảng 20.5 độ Vĩ Bắc; 107.8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.

 

 

Các tỉnh miền Bắc mưa lớn trong 2 ngày tới.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 3 đang tiến gần vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Gió mạnh đã ghi nhận đến lúc này (10h20 ngày 7/9) gồm:

Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh): cấp 12, giật 14; Thành phố Hải Phòng: cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP. Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo thời gian gió, mưa mạnh nhất tại các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh là khoảng 13-19h. Các tỉnh Thái Bình – Nam Định từ 16-22h. Khu vực Hà Nội khoảng 18h ngày 7/9 đến 1h sáng ngày 8/9.

Từ giờ đến cuối giờ chiều nay, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây gió mạnh phía Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Dự báo từ tối nay, bão số 3 sẽ đi sâu vào đất liền, sau đó suy yếu và tan dần.

Ngay từ khi chưa vào đất liền, bão số 3 đã gây ra gió rất mạnh như Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 12, những giờ tới tiếp tục gây ra gió mạnh ở các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Từ đêm qua đến nay, do tác động của hoàn lưu bão gây mưa nhiều khu vực. 2 ngày tới mưa tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ, trong đó tập trung chính ở Đông Bắc Bộ, sau đó mở rộng ra vùng núi phía Bắc.

Ông Mai Văn Khiêm lưu ý sau bão, nguy hiểm về gió kết thúc nhưng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hiện hữu do sẽ có một lượng mưa lớn kéo dài trong 2 ngày tới. Đợt mưa diễn ra diện rộng ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc nên tất cả các địa phương này đều có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cần hết sức lưu ý.

Bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ sẽ tập trung vào ngày và đêm 7/9, mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-350 mm, có nơi trên 500 mm. Khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt lũ. Ngoài ra các tỉnh vùng núi Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ quét diện rộng.

Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh, hoàn lưu rộng, mặc dù Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 3, nhưng do tác động của hoàn lưu bão số 3, từ chiều và tối 7/9, Hà Nội có khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10 và có khả năng xảy ra đợt mưa lớn, với lượng mưa dự báo khoảng 150-350 mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng, người dân cần có phương án xử lý phòng tránh. Mưa dông gắn với gió giật mạnh, gây nguy hiểm không khác gì gió trong bão.

Sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu sau bão

Sáng ngày 7/9, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu. Hiện các tàu du lịch đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn, không còn khách du lịch ở các tuyến đảo. Hơn 2000 khách du lịch đều đang lưu trú ở đất liền.

Trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, lượng nước trữ tại hồ Yên Lập ở mức 87%. Ngày 5/9, hồ thủy lợi Yên Lập đã mở cửa xả lũ công suất 100 m3/s. Đến sáng nay, ngày 7/9, hồ Yên Lập đã tăng công suất xả lũ lên 160 m3/s để đảm bảo an toàn. Hồ thủy lợi Yên Lập có dung tích 127 triệu m3, là hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng chống bão. Đồng thời nhấn mạnh, diễn biến của cơn bão số 3 vẫn rất phức tạp, vì vậy tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể phát sinh, nhất là tại các vị trí xung yếu như: hồ đập, các tuyến đê biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tổ chức thường trực 24/24, theo dõi sát diễn biến của cơn bão để tiếp tục chủ động phòng, chống, mục tiêu cao nhất là đảm bảo về người, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức cho người dân hiểu về mức độ rủi ro, nguy cơ thiệt hại đối với từng cấp gió để người dân chủ động phương án phòng tránh.

Tuyệt đối không để người dân quay trở lại các lồng bè, tàu đang neo đậu khi chưa đảm bảo an toàn. Chuẩn bị đầy các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu phải lên phương án sẵn sàng ứng phó hoàn lưu sau bão; tiếp tục đổi mới công tác thông tin về bão, phương pháp chống bão để người dân hiểu dễ, hiểu đúng, dễ làm theo. Trong thời gian tới, tỉnh nghiên cứu cơ chế xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển để lấy đây là hạt nhân triển khai công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.